Gia đình Nguyễn_Thị_Năm

Nguyễn Thị Năm có hai người con trai Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát (lúc hoạt động bí mật có tên là Hoàng Công). Thương hiệu Cát Hanh Long là ghép tên của hai người con.

Hai con trai của bà đều theo Việt Minh đi bộ đội. Nguyễn Hanh từng tháp tùng đoàn đại biểu chính phủ do các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu... vào Huế nhận ấn kiếm khi vua Bảo Đại thoái vị. Nguyễn Cát thì sau trở thành một Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 308.[6]

Khi bà Nguyễn Thị Năm bị xử bắn, hai người con đang đi công tác tại Trung Quốc nên không biết (Theo ông Trần Huy Liệu thì hai con trai của bà cũng bị dân địa phương đấu tố vào lần 2, xem ở trên). Mặc dù đi bộ đội và có công với lực lượng Việt Minh, năm 1953 Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát bị triệu về và bắt đưa đi cải tạo đến cuối năm 1956 mới được thả về.[6]

Những năm cuối thập niên 50, ông Hanh vào làm trong Văn phòng Ty Kiến trúc Thái Nguyên, rồi dạt về Hà Nội làm ở một xí nghiệp dược phẩm. Vợ ông Hanh thì dạy ở một trường tiểu học. Các cháu của bà Nguyễn Thị Năm vì lý lịch gia đình thuộc thành phần địa chủ nên từng bị trả hồ sơ khi xin việc và cũng không được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người con thứ là ông Nguyễn Cát thì chuyển ngành sang Ty Thương nghiệp rồi sau đó gia đình ông cũng về Hà Nội. Năm 1998 ông Nguyễn Hanh và ông Nguyễn Cát được công nhận là cán bộ hoạt động lâu năm, cán bộ tiền khởi nghĩa.

Sau nhiều năm cố gắng, đến năm 1990, gia đình mới tìm được hài cốt của bà Năm tại Đồng Bẩm.[6]

Yêu cầu phục hồi danh dự

Trong nhiều năm, ông Nguyễn Hanh cùng bà Diệp vẫn đứng đơn đề nghị các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm thực hiện Nghị định số 28/CP của Chính phủ ban hành ngày 29 tháng 04 năm 1995, theo đó đề nghị của gia đình ông Hanh nhiều năm nay là nên xét thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp và truy tặng danh hiệu Liệt sĩ cho bà Nguyễn Thị Năm[6]. Dù đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu từ năm 1995 đến năm 2014 qua những lá thư gửi lên địa phương và trung ương đòi phục hồi danh dự cho mẹ nhưng gia đình hoàn toàn không được hồi âm.[6]

Trong bài viết "Địa chủ ác ghê" của C.B. trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 có kể tội bà là "Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người... Giết chết 14 nông dân, Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân...". Cũng theo đó, Nguyễn Thị Năm đã "thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến" và cũng theo đó thì Nguyễn Thị Năm "không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác".[19]

Sau khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề "Cải cách ruộng đất" sáng 8/9/2014 tại Hà Nội, một số nhân vật hoạt động chống Nhà nước Việt Nam như Nguyễn Thông, Trần Đĩnh, Nguyễn Xuân Diện, Huy Đức... đã đưa ra một bài viết trên trang "Dân luận", trong đó nói rằng vào ngày 21/7/1953 trên báo Nhân dân có một bài viết có tên "Địa chủ ác ghê", những người này cho rằng Hồ Chí Minh là tác giả bài báo (do C.B là một trong những bút danh của Hồ Chí Minh trên báo Nhân dân từ năm 1951 đến 1957). Bên cạnh đó họ cũng dẫn ra một bài viết có tên gần tương tự là "Địa chủ phản động ác ghê" đăng trên báo Cứu quốc số 2459 ngày 2/11/1953 với mục đích chứng minh bài đăng của C.B trên báo Nhân dân là của Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, “Biên niên tiểu sử” của Hồ Chủ tịch trên trang web của Bảo tàng Hồ Chí Minh có ghi nhận chi tiết về hoạt động từng ngày, từng tháng của Hồ Chí Minh cho thấy tuyên bố này là sai. Đúng là Hồ Chí Minh có bài “Địa chủ phản động ác ghê” đăng trên báo Cứu Quốc số 2459, ngày 2/11/1953, ký bút danh Đ.X, tố cáo tội ác của một số địa chủ phản động đã câu kết với thực dân Pháp để phản bội đất nước, mưu phá hoại chính sách ruộng đất của Chính phủ, nhưng nội dung bài báo này khác hẳn so với nội dung của bài báo “Địa chủ ác ghê” nói trên[20].

Bên cạnh đó trong biên niên hoạt động của Hồ Chí Minh và tư liệu báo chí thuộc thư viện Quốc gia Việt Nam vào tháng 7/1953 cũng không tìm thấy bài báo "địa chủ ác ghê" mà chỉ ghi nhận 5 bài báo trên báo Nhân dân với bút danh C.B đăng trên các số 121, 123, 124 và 126 trong tháng 7/1953, không có nội dung nào liên quan đến vấn đề cải cách ruộng đất.[21][22]

Ngoài ra, qua hồi kí của các cựu lãnh đạo thời kì đó, cũng như của các nhân vật bất đồng chính kiến chống Nhà nước Việt Nam thời kỳ đó như Nguyễn Minh Cần, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên... đều ghi nhận sự phản ứng quyết liệt của Hồ Chí Minh khi nghe báo cáo về vụ việc bà Năm. Kể cả trong quá trình ghi nhận sai lầm về Cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo Đảng khi đó đều hối hận đã không kịp ngăn chặn hành động tấn công bà Năm của người dân địa phương.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Thị_Năm http://vi.scribd.com/doc/6249263/Hoi-Ky-Doan-Duy-T... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/LandReform/... http://www.talawas.org/?p=24539 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=564... http://www.baotanghochiminh.vn/Chitiettimkiem/tabi... http://www.baotanghochiminh.vn/TabId/495/ArticleId... http://antg.cand.com.vn/82797.cand http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2014/4/82776... http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/viet-nhan... http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=q...